Thương mại điện tử Viêt Nam: đã gần hay còn xa?

Thuật ngữ thương mại điện tử đã xuất hiện tại Viêt Nam hơn một thập kỷ nhưng chưa thực sự “gần” với người tiêu dùng. Liệu Việt Nam đã hội tụ đủ các điều kiện “cần và đủ” để khách hàng tin tưởng thương mại điện tử sẽ mang lại cho họ nhiều lợi ích mới?


Nền tảng cho sự phát triển
Nền tảng cho sự phát triển thương mại điện tử bao gồm nhiều yếu tố, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin và dân số sử dụng internet, mức độ triển khai ứng dụng thương mại điện tử của các tổ chức và doanh nghiệp.
* Hạ tầng công nghệ thông tin và internet
Tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ và internet tại Việt nam dẫn đầu khu vực châu Á. Tốc độ phát triển internet của Việt Nam luôn đạt trên 20% trong những năm gần đây. Nếu tính trong giai đoạn từ 2000 – 2010, Việt nam dẫn đầu khu vực châu Á về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ người dùng internet/dân số, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 8 trong khu vực châu Á.
Mặc dù số lượng người dân sử dụng internet tăng rất khả quan trong thời gian qua nhưng thực tế người dân sử dụng thanh toán trực tuyến chỉ 4%, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt dưới 20%. Người tiêu dùng chưa quen thuộc với dịch vụ thanh toán hiện đại của ngân hàng.
Khai trương Tuần mua sắm trực tuyến giúp người dân gần hơn với thương mại điện tử
* Ứng dụng thương mại điện tử tại các tổ chức và doanh nghiệp
Các công ty cung cấp hàng hóa dịch vụ:
Phần lớn các công ty đều nắm bắt được thương mại điện tử là xu thế tất yếu và chuẩn bị cho sự bùng nổ của thương mại điện tử từ nhiều năm nay. Theo điều tra của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, tới cuối năm 2011 đã có khoảng 28% doanh nghiệp đã có trang web B2B hoặc B2C. Tuy nhiên, hầu hết các website này mới dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm, mới có 32% website có chức năng giao dịch trực tuyến và 7% có chức năng thanh toán trực tuyến.
Các công ty phân phối hiện nay như siêu thị điện tử, hàng tiêu dùng, thời trang... có lượng khách hàng rất lớn. Hầu hết các công ty này đều triển khai hình thức đặt hàng trực tuyến. Lượt truy cập vào trang web để xem hàng hóa khá cao nhưng hầu hết khách hàng mới chỉ dừng lại ở vào trang web các công ty để xem mặt hàng, tỷ lệ đặt hàng trực tuyến trên các trang web này rất thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là khách hàng chưa quen thuộc với dịch vụ thanh toán hiện đại: thanh toán bằng thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử, ví điện tử.
Để phát triển thương mại điện tử hơn nữa, các công ty lớn cung cấp loại hàng hóa dịch vụ, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu trong đời sống như điện, nước, cước internet, điện thoại, hàng điện tử, hàng thời trang, tiêu dùng… cần nhanh chóng ứng dụng hình thức thanh toán trực tuyến.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại và công ty cung cấp dịch vụ thanh toán phải đẩy mạnh hoạt động thanh toán trực tuyến, hỗ trợ các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nâng cao tỷ lệ nhận biết và niềm tin của người tiêu dùng vào hình thức thanh toán trực tuyến.
Ngân hàng và các công ty cung cấp công cụ thanh toán
Tại Việt Nam có tới gần 100 ngân hàng đang hoạt động, gần như ngân hàng nào cũng hướng tới việc đầu tư cho công nghệ và hình thức thanh toán hiện đại, tuy nhiên mức độ đầu tư phụ thuộc vào quy mô của ngân hàng. Do yêu cầu đầu tư cho công nghệ hiện đại rất lớn nên chỉ những ngân hàng nước ngoài và ngân hàng hàng đầu trong nước dám chấp nhận đầu tư dài hạn mới có thể mang lại ứng dụng đầy đủ và tiện ích nhất cho khách hàng.
Trong số không nhiều các ngân hàng trong nước dám đầu tư mạnh cho công nghệ phải nhắc đến Techcombank. Ngay từ năm 1995, Techcombank là ngân hàng đầu tiên mạnh dạn triển khai hệ thống core banking. Một hệ thống các kênh giao dịch điện tử internet banking, mobile banking với đầy đủ tính năng thanh toán dịch vụ thuận tiện và an toàn cho khách hàng ngốn tổng vốn đầu tư gần 10 triệu USD của ngân hàng này. Kể từ đó đến nay, Techcombank không ngừng nâng cấp hệ thống công nghệ để ngày càng hoàn thiện và đảm bảo một cơ sở hạ tầng tốt nhất cho các giao dịch điện tử của ngân hàng. Đó chính là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ cho việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung cũng như dịch vụ ngân hàng điện tử của Techcombank nói riêng.
Sự tham gia của cơ quan tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội
Xác định vai trò của thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế đất nước, các cơ quan tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội đã có những định hướng chiến lược phát triển cho vấn đề này. Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) được thành lập từ năm 2007 với mục tiêu góp phần vào sự phát triển thương mại điện tử. Một trong các nhiệm vụ của Vecom là tuyên truyền phổ biến về thương mại điện tử, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong mua bán trực tuyến, hợp tác quốc tế về thương mại điện tử…
Thương mại điện tử Việt Nam: đã thực sự “gần”?
Kết thúc thập kỷ đầu tiên, thương mại điện tử Việt Nam đã vượt qua được các trở ngại về hạ tầng pháp lý và công nghệ thông tin và truyền thông. Muốn thương mại điện tử trở nên “gần” với mọi người dân và doanh nghiệp trong 5 năm tới, các cơ quan nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp cần chung sức để vượt qua hai trở ngại lớn tiếp theo là thanh toán điện tử và lòng tin của người tiêu dùng. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ sát cánh cùng hệ thống ngân hàng và các đơn vị liên quan hoàn thành sứ mệnh này, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước tiên tiến về thương mại điện tử trong khu vực ASEAN vào năm 2015.
Tuần mua sắm trực tuyến 2011 do VECOM tổ chức được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra từ 14 – 27/11/2011 nhằm tập hợp các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới thương mại điện tử, nâng cao nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với lĩnh vực mới này. Mặc dù được tổ chức lần đầu tiên nhưng sự kiện này  đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và thanh toán điện tử như Vietcombank, Techcombank, Việt Á, Smartlink… VECOM mong muốn thông qua các sự kiện này và các hoạt động tương tự khác sẽ góp phần đưa thương mại điện tử Việt Nam vượt qua các trở ngại và tiến “gần” hơn với người tiêu dùng.
VECOM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét