Đón Tết, lo tiền…


Không chỉ nhiều người dân và doanh nghiệp đau đầu lo tiền đón Tết, Ngân hàng Nhà nước hẳn cũng đang trong những ngày bận rộn…

“Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại ăn một cái Tết lớn như vậy!”. Đó là câu nói của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu về cái Tết năm ngoái.

Dẫn chứng cho nhận định trên là một lượng tiền lớn chảy ra thị trường và huy động vốn của hệ thống sụt giảm mạnh. Cụ thể hơn, để đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao dịp Tết 2011, thị trường ghi nhớ con số gần 132.000 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản hệ thống, và cũng nhanh chóng hút về ngay sau đó.

Trên thị trường, nếu cơ chế trần lãi suất bấy giờ không phản ánh đầy đủ biến động của thực tế thì lãi suất trên liên ngân hàng là một biểu hiện rõ nét hơn: khó khăn thanh khoản.

Xin dẫn lại một đoạn trong dữ liệu báo cáo của một tổ chức đầu tư về tình hình thời điểm này năm ngoái: “Lượng tiền lớn rút ra khỏi ngân hàng để chi tiêu trước Tết khiến cho thanh khoản thị trường liên ngân hàng giảm nhanh. Lãi suất liên ngân hàng chào ra tăng mạnh trong tuần này lên đến 20% đối với kì hạn qua đêm. Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục bơm ròng lên đến hơn 18.000 tỷ đồng qua thị trường mở để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại, đồng thời kì hạn cho vay điều chỉnh từ 7 ngày lên 14 ngày…”.

Còn Tết năm nay thì sao?

Dự kiến tuần bắt đầu từ hôm nay (16/1) sẽ là những ngày cao điểm lo tiền của các nhà băng. Nhưng tuần rồi Ngân hàng Nhà nước cũng đã bơm ròng hơn 6.000 tỷ đồng trên thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản hệ thống; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng khá mạnh.

Theo cập nhật của một số tổ chức đầu tư, lãi suất liên ngân hàng tuần rồi đã tăng lên trên 15%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, 15% - 16%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần và 16% - 17%/năm đối với kỳ hạn 2 tuần…

Trên thị trường 1, huy động từ các tổ chức và dân cư, thời gian gần đây lại rộ lên thông tin về hiện tượng ngân hàng nâng lãi suất vượt trần, mà sức ép thanh khoản mùa cao điểm chi trả hiện nay là một nguyên nhân chính. Xa hơn một chút, tình hình huy động vốn của hệ thống đã có xu hướng giảm đáng kể liên tiếp từ tháng 9 và tháng 10/2011; hai tháng cuối năm không có dữ liệu công bố cụ thể để có thêm cơ sở tham khảo.

Và có một sự trùng hợp đáng chú ý: Tết năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh kỳ hạn từ 7 ngày lên 14 ngày trên thị trường mở (OMO); năm nay, việc điều chỉnh đó cũng được thực hiện, chỉ khác về kỳ hạn. Cụ thể, từ ngày 9/1 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm kỳ hạn 21 ngày trên OMO song song với kỳ hạn 7 ngày. Việc bổ sung này nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong cân đối các khoản vay, cũng như một điều chỉnh kỹ thuật để tránh các khoản đáo hạn trong dịp Tết.

Các diễn biến cụ thể đang ở phía trước. Hiện cũng không rõ qua dịp Tết này Ngân hàng Nhà nước có đưa ra những dữ liệu “tổng kết” về tình hình của năm nay hay không. Nhưng ở tình hình chung thì có thể lạc quan hơn, có trong dự tính của nhà điều hành.

Bên lề mùa cao điểm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, chia sẻ dự tính của mình rằng, năm nay người dân ăn Tết sẽ khiêm tốn hơn, các doanh nghiệp nhìn chung cũng không “hoành tráng” như những năm gần đây, xét ở tính chất lãng phí.

“Chưa rõ bên ngoài cụ thể sẽ như thế nào, nhưng dưới góc độ điều hành chính sách tiền tệ thì có thể có cảm nhận như vậy. Và chúng ta cùng kiểm nghiệm xem”, Thống đốc nói.

Ở góc độ tiền tệ, nếu đúng như dự tính của Thống đốc, thanh khoản và lãi suất có thể bớt căng hơn năm ngoái; chi tiêu trong dịp Tết này khiêm tốn hơn thì có thể kỳ vọng sẽ bớt áp lực đối với lạm phát.

Tất nhiên, lạm phát ở mùa cao điểm lễ tết không chỉ riêng yếu tố tiền tệ, mà còn phụ thuộc cả công tác quản lý thị trường và bình ổn giá. Và như Thống đốc nói, diễn biến thực tế sẽ sớm được kiểm nghiệm…

Theo VnEconomy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét