Con buôn làm giàu trên Mạng xã hội như thế nào

Nhằm thu hút thêm nhiều người sử dụng, các trang mạng xã hội tại Việt Nam liên tục đưa ra nhiều tiện ích, hỗ trợ miễn phí cho các cửa hàng tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, người bán cũng nên thận trọng.
Trong việc bán hàng trên các trang mạng xã hội, loại hình này có tính tương tác cao, dễ tiếp cận khách hàng nhưng khả năng lan truyền thông tin rất lớn, đôi khi không thể kiểm soát được, nhất là những thông tin “không tốt”.
Việc bán hàng trên mạng xã hội đã phổ biến từ rất lâu, bằng việc người bán tự đăng tải hình ảnh sản phẩm lên “tường nhà” (wall) của họ nhằm tiếp thị đến bạn bè, người quen. Hiện nay một số trang mạng xã hội như Zing Me, Go.vn… còn có những công cụ hỗ trợ dành cho người sử dụng thiết lập gian hàng của họ trên các trang này, giúp họ dễ tiếp cận với khách hàng tiềm năng từ cộng đồng mạng.
Bán hàng trên mạng xã hội
Anh Tùng ở Tân Bình (TPHCM), chủ gian hàng thời trang Shortshopvn, cho hay ngoài các trang mà anh đang bán hàng trực tuyến như vatgia.com, chodientu.vn, muabanso.net, 5giay.vn, anh còn thiết lập gian hàng của mình trên các mạng xã hội như Facebook, Go.vn.
Theo anh Tùng, việc bán hàng trên mạng xã hội khá dễ dàng, khi quan tâm đến món hàng nào đó, khách hàng có thể đặt hàng thông qua hình thức phản hồi hoặc góp ý, cửa hàng sẽ hẹn khách thời gian, địa điểm cụ thể để giao hàng và nhận tiền.
“Trung bình một tuần có khoảng 50 lượt ghé thăm gian hàng của tôi trên Facebook, khách hàng cũng đến từ trang này là chủ yếu, chiếm khoảng 80% trong tổng số khách hàng hiện nay. Còn khách từ trang Go.vn hay các mạng xã hội khác cũng có nhưng chưa nhiều”, anh Tùng nói.
Còn theo anh Quốc Anh, chủ gian hàng thời trang, đồ lưu niệm Hula, chỉ tính riêng lượng người biết đến gian hàng của anh trên Zing Me đã hơn 10.000 người, trong đó trung bình một ngày có khoảng 200-300 lượt ghé thăm trang web của Hula từ mạng xã hội này. Một trong những lý do để anh quyết định đưa gian hàng lên mạng xã hội chính là việc được tiếp thị sản phẩm miễn phí. Trong khi đó, để tiếp cận đến hàng triệu khách hàng tiềm năng thì cửa hàng sẽ phải tốn khá nhiều kinh phí nếu sử dụng các kênh tiếp thị trực tuyến khác.
kiem tien qua mang
Hiện nay khách hàng từ kênh tiếp thị mới này mới chỉ đem lại cho Hula khoảng 5-10% trong tổng số khách hàng. Tuy nhiên, chủ cửa hàng kỳ vọng trong thời gian sắp tới, khi mà lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng nhanh ở Việt Nam, thì lượng khách hàng từ kênh này sẽ tăng lên 20-30%.
Cơ hội tiếp thị đến khách hàng tiềm năng

Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, trước đây, khi các gian hàng có các đợt khuyến mãi, giảm giá… chủ gian hàng sẽ phải tự gửi thông tin cho khách hàng của mình dưới hình thức thư điện tử (e-mail) hoặc tin nhắn SMS qua điện thoại di động trong trường hợp đã có dữ liệu về khách hàng mục tiêu. Còn khi có nhu cầu về món hàng, dịch vụ nào đó thì khách hàng thường phải tự tìm kiếm thông tin trên các trang mua bán trực tuyến, chợ điện tử… Khi đó, thông tin giữa người mua và người bán là một chiều.
Trong khi đó, với những tiện ích của mạng xã hội, các chủ gian hàng có thể chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng của mình. Người sử dụng mạng xã hội sẽ tự động nhận được bất kỳ thông tin mới nào về gian hàng XYZ nếu họ đã nhấp chuột vào biểu tượng thích (like) trên tường nhà của gian hàng này trước đó.
Ngoài ra, các chủ gian hàng còn dễ đo lường được hiệu quả của việc tiếp thị trên mạng xã hội bằng cách xem thống kê về lượng khách ghé thăm, lượng khách thích sản phẩm cũng như số lượng khách phản hồi hay truy cập trang web từ đường dẫn trên mạng xã hội khi họ nhấp chuột vào món hàng…
Ông Nguyễn Văn Đức Trọng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Zing thuộc Công ty VNG – chủ sở hữu mạng xã hội Zing Me, cho biết tất cả các cửa hàng, dù có hoạt động kinh doanh trực tuyến hay không, cũng đều được hỗ trợ bán hàng trên Zing Me. Theo đó, Zing Me sẽ cung cấp cho các cửa hàng một trang “hâm mộ” (fanpage) để có thể bán và tiếp thị sản phẩm của mình.
“Zing Me sẽ hỗ trợ các gian hàng trong việc thiết kế giao diện, quản lý fanpage và tư vấn cách thức kinh doanh, hay cung cấp các công cụ để chủ cửa hàng chủ động trong việc tích hợp trang web, ứng dụng bán hàng vào trang này. Người sử dụng Zing Me nếu nhấp chuột vào sản phẩm trên fanpage sẽ được dẫn đến trang web của cửa hàng”, ông Trọng nói.
Để được cấp fanpage, chủ gian hàng chỉ cần hoàn tất những thông tin theo mẫu đăng ký trên trang web open.zing.vn/fanpage, với thời gian xét duyệt từ một đến hai ngày.
Tuy nhiên, theo các chủ gian hàng, các trang mạng xã hội hiện nay chỉ mới là nơi để tiếp thị chứ chưa thực sự là địa điểm bán hàng hữu hiệu bởi vì còn thiếu các công cụ về thanh toán trực tuyến như giỏ hàng, cổng thanh toán…
Tuy nhiên, theo đại diện một số mạng xã hội Việt Nam, mục tiêu của họ không phải là trang mua bán trực tuyến mà chỉ là nơi hỗ trợ các gian hàng trong việc quảng bá website, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ đến người sử dụng. Trên các mạng xã hội, chủ gian hàng và khách hàng có thể tự thỏa thuận với nhau về việc thanh toán bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, qua cổng thanh toán hay ví điện tử như Nganluong.vn, Payoo…
Theo ông Trọng, VNG sẽ có những sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các chủ gian hàng cũng như thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt và chia sẻ kinh nghiệm bán hàng qua mạng xã hội, từ những cửa hàng đã thành công trong việc kinh doanh theo hình thức này. Về phía Go.vn, đại diện trang mạng xã hội này cho biết các chủ cửa hàng hiện có thể thiết lập gian hàng miễn phí trên shop.go.vn. Trong thời gian sắp tới, Go.vn sẽ đưa ra nhiều công cụ hỗ trợ các gian hàng đẩy mạnh việc tiếp thị đến người sử dụng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét