Sáng lọc website trực tuyến

Thị trường mua theo nhóm đã qua giai đoạn bùng phát về số lượng doanh nghiệp gia nhập và đang chuyển sang giai đoạn sàng lọc, phát triển về chất.
Chính thức phát triển tại Việt Nam từ năm 2010, nhưng thị trường mua bán hàng trực tuyến  theo nhóm đã thực sự bùng nổ vào năm 2011, với hàng loạt website được mở (khoảng 100 website bán hàng trực tuyến tính đến cuối năm 2011).
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, năm 2012 sẽ là “năm thử lửa” với các website hoạt động theo mô hình trên.
Bà Trương Thị Tố Linh, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Hotdeal.vn (một trong số những website mua bán hàng theo nhóm có doanh thu dẫn đầu trên thị trường hiện nay) cho biết, qua một thời gian hoạt động, các website mua theo nhóm sẽ nhận thấy đây không phải là cuộc chơi mà ai cũng có thể làm tốt. “Thị trường mua theo nhóm đã qua giai đoạn bùng phát về số lượng doanh nghiệp gia nhập và đang chuyển sang giai đoạn sàng lọc, phát triển về chất. Các website nhỏ, hoạt động không hiệu quả bắt đầu bước vào giai đoạn cầm cự. Tùy khả năng về mức độ đầu tư và khả năng bám trụ, lần lượt các website nhỏ sẽ rơi rụng dần, hoặc chuyển sang các thị trường ngách và chỉ tập trung vào một dạng dịch vụ, hoặc sản phẩm nhỏ”, bà Linh nhấn mạnh.
san loc website ban hang truc tiep
Minh chứng thuyết phục nhất cho nhận định của bà Linh là mới đây, trang mua hàng trực tuyến theo nhóm ZingDeal (do Công ty VNG đầu tư) đã phải thông báo rời cuộc chơi. Đây cũng được xem là tín hiệu đầu tiên của sự thanh lọc trên thị trường mua hàng trực tuyến theo nhóm.
Được thành lập đầu năm 2010, sản phẩm của Zing Deal bao gồm các voucher nhà hàng, cà phê, spa, khách sạn và một số dịch vụ giải trí, với mức giảm giá 50 – 90%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư qua email, bà Doãn Đỗ Ngọc Thi, Trưởng phòng Truyền thông và đối ngoại của VNG cho biết, nguyên nhân khiến ZingDeal ngưng hoạt động là do chiến lược lâu dài về thương mại điện tử của VNG và cũng là để tập trung vào thế mạnh kỹ thuật và nền tảng người sử dụng của Công ty.
“Công ty sẽ đảm bảo quyền lợi của đối tác và khách hàng. Với những người đã mua hàng thành công trên ZingDeal, nếu chưa sử dụng, thì vẫn được hưởng dịch vụ bình thường đến hết thời hạn ghi trên phiếu. Còn các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được tiến hành thanh toán theo điều khoản hợp đồng đã ký. Ngoài ra, người tiêu dùng còn tiền trong ví điện tử sẽ được ZingDeal hoàn lại từ ngày 9/2”, bà Thi cho biết.
Khi được hỏi về doanh thu, số lượng khách hàng và đối tác của ZingDeal, bà Thi trả lời chung chung rằng, trong thời gian hoạt động, ZingDeal đã mang đến cho đối tác cơ hội quảng bá website và giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu. Dù vậy, theo thống kê của website http://dealcuatui.com, sau hơn 1 năm hoạt động, ZingDeal chỉ đứng ở vị trí thứ 9 trên thị trường với thị phần 0,99%, tương đương doanh số 6,6 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 4 website dẫn đầu của thị trường này (tính đến hết ngày 9/2/2012, nhommua.com có doanh số 240 tỷ đồng; hotdeal.vn 178 tỷ đồng; muachung.vn gần 99 tỷ đồng và cungmua.com 90 tỷ đồng).
Bình luận về khả năng bám trụ thị trường của các website mua hàng theo nhóm, bà Linh cho rằng, có khá nhiều yếu tố, nhưng một trong những thách thức mà “chỉ có người trong cuộc mới hiểu” chính là khả năng vận hành (quy trình xử lý đơn hàng, giao nhận, chăm sóc khách hàng).
“Các website thiếu kinh nghiệm về thương mại điện tử, thiếu quyết tâm và không đầu tư xứng đáng, tập trung vào ngành này sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau và không cạnh tranh được với các website có năng lực và có sự tập trung cao”, bà Linh nói và cho biết, với các website đã gây dựng được thương hiệu, không nên chủ quan, mà phải gia tăng chất lượng sản phẩm dịch vụ, để khẳng định uy tín và vượt qua sự nghi ngờ của truyền thông, cộng đồng về khả năng tồn tại của mô hình kinh doanh trực tuyến này.
Nguồn Internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét