Cơ hội thành công của phụ nữ với thương mại điện tử

(DĐDN)3 năm trở lại đây, chưa bao giờ thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam phát triển mạnh như vậy. Nhiều mô hình, nhiều website ra mắt, hoạt động. Nhiều đối tác quốc tế đã mạnh tay đầu tưu vào lĩnh vực còn non trẻ này. Góp phần vào sự thành công đó, bóng dáng và vai trò của người phụ nữ hết sức đậm nét.
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, DĐDN đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Chi Mai - Phó giám đốc của Vật Giá, sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam nhiều năm liền về ảnh hưởng của phái đẹp.
- Đâu là cơ duyên đưa bà đến với TMĐT - lĩnh vực còn khá non trẻ tại Việt Nam? 
Có thể nói con đường đưa tôi đến với TMĐT khá xuôn xẻ. Theo học ngành công nghệ thông tin nên khi ra trường tôi mong muốn được làm việc và tiếp cận với internet. Công việc đầu tiên tôi làm là bán linh kiện điện thoại tại một cửa hàng. Một lần đi làm muộn 30 phút do bị chậm xe bus, tôi bị sa thải. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi đã tới Vatgia.com,  một công ty chuyên về TMĐT. Đến lúc này tôi vẫn tự nhủ Vật Giá và TMĐT là duyên nghiệp của mình. Tính cho đến nay đã 4 năm 5 tháng tôi gắn bó, phát triển cùng Vật Giá, cùng TMĐT. 
thuong mai dien tu voi doanh nghiep nu
- Những thuận lợi và khó khăn khi bà khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT? 
Khó khăn khi đó của tôi chính là kinh nghiệm và kiến thức. TMĐT cách đây 5 năm vẫn là khái niệm mới, chưa nhiều người am hiểu hay được đào tạo bài bản. Sách vở, tài liệu cũng không phổ biến như hiện nay. Thời gian đầu, công việc của tôi chỉ đơn thuần là nhập liệu, tức là nhập thông tin hàng hóa, sản phẩm có trên thị trường lên trên website. Tôi nghĩ đây là khó khăn chung của nhiều sàn giao dịch TMĐT vào lúc đó.
Tuy nhiên, khó khăn cũng chính là thuận lợi. Thuận lợi vì mình là người đi tiên phong khai phá thị trường đầy tiềm năng. Mình không bị sức ép của đối thủ, tự tin vạch ra mọi kế hoạch cho phù hợp bối cảnh trong nước. Thực tế chứng minh Vật Giá đã thành công trong vai trò của người mở đường và góp phần vào việc định hướng đi cho TMĐT Việt Nam. Bên cạnh đó tôi còn có người ‘sếp’, vị thuyền trưởng tài ba là anh Nguyễn Ngọc Điệp, những đồng nghiệp năng động, đầy nhiệt huyết đam mê, kiên trì theo đuổi lĩnh vực này. 
- Trong năm 2011, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên một số loại hình kinh doanh trên Internet vẫn phát triển. Điều đó có phải là ưu điểm của TMĐT nói chung? 
Sau ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu, gần như mọi quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng và hoạt động kinh doanh trực tuyến của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng bị tác động đáng kể. Tuy nhiên, thực tế chứng mình nhiều đơn vị có hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng TMĐT lại đang cất cánh. 
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2011, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT khi nhiều doanh nghiệp lớn về TMĐT trên thế giới như Alibaba, Rakuten… đều có đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. PGS.,TS. Lê Danh Vĩnh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương, Chủ tịch hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng cho rằng hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã biết tận dụng cơ hội đầu tư với những định hướng mới, trong đó phát triển thông qua kênh thương mại điện tử đang là bước đi táo bạo của doanh nghiệp trong nên kinh tế suy thoái, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay.  
Có thể khẳng định thương mại điện tử(TMĐT) phát triển là xu thế tất yếu. Nếu nhìn ra các nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và toàn thế giới, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT, Internet, TMĐT đang nằm trong Top những thương hiệu có giá trị hàng đầu. Ở Việt Nam, tuy hoạt động TMĐT vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi nhưng chỉ trong khoảng 3-5 năm trở lại đây đã có nhiều công ty trong và ngoài nước tham gia, phát triển khiến cho hoạt động kinh doanh TMĐT đang diễn ra hết sức sôi động và tiềm năng. 
Nếu so với các hoạt động kinh doanh “chính quy” thông thưởng, TMĐT có rất nhiều lợi tích, tối đa hoá nguồn lực và cắt giảm nhiều hạng mục không cần thiết và định hướng thị trường tốt hơn. Vai trò và lợi ích của TMĐT rất lớn và được chứng minh ở nhiều nước phát triển. Trong thời gian tới, chắc chắn TMĐT sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả đối với các doanh nghiệp trong nước. 
- Theo bà, TMĐT của Việt Nam hiện đang ở giai đoạn nào? Những ưu và khuyết điểm của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TMĐT?
TMĐT đã thực sự có những bước tiến vượt bậc tại Việt Nam trong những năm qua. Các cá nhân và doanh nghiệp ngày càng dành nhiều sự đầu tư và quan tâm tới các hình thức mua bán và giao dich trực tuyến. Với khoảng 27 triệu người dân hiện nay được tiếp cận với Internet chiếm gần 31% dân số (Số liệu từ VNIC), các yếu tố để TMĐT cất cánh khá tốt, các mô hình TMĐT đã phát triển đầy đủ và sự cạnh tranh đã trở nên dần khốc liệt. Cơ sở hạ tầng về viễn thông và Internet, năng lực kỹ thuật, hành lang pháp lý và sự ủng hộ của nhà nước và xã hội đã đem lại những tín hiệu tốt đảm bảo đáp ứng được sự lớn lên của thị trường. 
nu doanh nghiep nhay ben voi thuong mai dien tu
Bên cạnh những thuận lợi như trên vẫn còn những trở lực khiến TMĐT Việt Nam phát triển hết tiềm năng vốn có. Rào cản lớn nhất chính là tâm lý và sự tự tin của người tiêu dùng. Người Việt Nam vẫn chưa quen với các hình thức thanh toán trực tuyến, cũng như chưa trang bị cho mình những kiến thức để mua sắm và thanh toán trực tuyến an toàn. Bên cạnh đó, nhiều website bán hàng trực tuyến chưa thực sự quan tâm đến chuyện tạo thuận lợi cho khách hàng. Phần lớn các website cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến hiện nay chỉ mang tính chất như một cầu nối giữa người mua và người bán. Các website này mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng tham khảo, khiến cho hoạt động mua bán trên mạng vẫn chủ yếu bó hẹp trong cách “tiền trao, cháo múc”. 
Đến thời điểm hiện tại, không ít website trước đây hoạt động rầm rộ song hiện tại không còn giữ được sự nhiệt tình ban đầu sau một hành trình dài. Một số website thương mại điện tử được đầu tư lớn gần như buông xuôi và không còn mấy mặn mà với cuộc chơi. Điều này nói lên rằng TMĐT thực sự là một cuộc đua đường trường, chỉ những công ty đủ tiềm lực và xác định đầu tư lâu dài mới có thể tồn tại và phát triển. Tư duy "ăn sổi" chắc chắn sẽ không có chỗ đứng trong sân chơi này. Vì vậy, dù là doanh nghiệp mới tham gia thị trường hay đã tồn tại từ lâu cần phải xác định rõ tiềm lực, định hướng và gian nan trên con đường dài phía trước khi làm thương mại điện tử.  
- Làm TMĐT không đơn giản. Theo bà, phụ nữ có những thuận lợi và khó khăn nào khi quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này?
Theo tôi ở bất cứ lĩnh vực nào, không chỉ riêng với TMĐT, phụ nữ cũng sẽ có những thuận lợi và khó khăn. Tuỳ từng hoàn cảnh, từng công việc mà thuận lợi nhiều hơn hay khó khăn nhiều hơn nhưng tôi tin phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, vừng vàng. 
Với TMĐT, tôi cho rằng cơ hội của phụ nữ và nam giới là 50-50. Tại Vật Giá, rất nhiều vị trí quan trọng do chị em đảm nhiệm và công việc luôn có tiến triển rất tốt. Tôi tin tại những đơn vị khác trong lĩnh vực này cũng vậy. Chỉ cần có niềm tin và quyết tâm theo đuổi đam mê, tôi tin mọi người phụ nữ đều sẽ thành công. 
- Nếu không làm việc trong lĩnh vực TMĐT, bà sẽ chọn ngành nghề nào? 
Tôi nghĩ mình đã gặp may mắn. Gặp may vì được tiếp cận với TMĐT sớm, được làm việc tại Vật Giá. Nếu không làm việc ở lĩnh vực TMĐT tôi nghĩ có thể mình sẽ là kỹ sư phần mềm hay kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm. Tuy nhiên, tôi hạnh phúc với những gì đã gắn bó cùng TMĐT.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét