Kinh tế 2012: Chịu đau và 'đừng sốt ruột'

Mặc dù truyền thống của người Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về vẫn là cầu chúc một năm an lành và thịnh vượng, nhưng những dự báo chân thực về khó khăn sắp tới cũng là rất cần thiết.


Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi được đề nghị đưa ra một lời khuyên cho giới đầu tư, kinh doanh trong năm 2012 đã chân thành bảo: "Không nên quá sốt ruột"!
Năm 2012 tiếp tục khó
Sở dĩ vị chuyên gia kinh tế có tiếng là thẳng thắn này khuyên như vậy vì, theo ông, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với lạm phát, bất ổn, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa sẽ vẫn là công cụ chính để kiềm chế lạm phát, thì doanh nghiệp cần nhìn dài hạn với kế hoạch cho 3-5 năm tới, chấp nhận khó khăn hiện tại để đạt mục tiêu ổn định trong dài hạn. Nếu ngay lúc này mà doanh nghiệp muốn tăng trưởng, muốn giảm lãi suất thì có nghĩa là kinh tế vĩ mô sẽ bất ổn kéo dài. Mà khi kinh tế không ổn định, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu thua thiệt nhiều nhất. Theo công bố chính thức, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động của năm 2011 đã lên tới khoảng 48.000 doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên con số tuyệt đối được đưa ra, thay vì những dự báo, nhận định vốn khá chủ quan và mơ hồ vẫn thường thấy ở những năm trước. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi nhắc tới con số này cũng không thể không bình luận rằng, dù là sự tạm dừng này có hạn định hay là vĩnh viễn, thì cũng có nghĩa là sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam đã giảm đi đáng kể sau một năm "giông bão".
Tình trạng này có thể sẽ xấu hơn nữa khi mà những hệ luỵ kéo dài của khủng hoảng nợ công ở châu Âu, những khó khăn và bất ổn trong nội bộ nền kinh tế Nhật Bản, Mỹ vào cuối năm 2011 đang báo trước những biến động khó lường. Thậm chí, ông Thiên cũng đã nhắc tới quan điểm bi quan về "một đêm trước của khủng hoảng kinh tế thế giới"…
Theo ông Trần Đình Thiên, những cơ sở cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2012 yếu hơn năm 2011, không chỉ vì tình thế cấp bách của nền kinh tế đòi hỏi Chính phủ phải chấp nhận trả giá để hạ nhanh lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn vì dư địa chính sách cho thực hiện nhiệm vụ này không còn nhiều. Song, thực tế buộc doanh nghiệp phải thay đổi, tái cơ cấu để bắt kịp với tình hình mới, tìm kiếm cơ hội phát triển mới ngay trong giai đoạn cả nền kinh tế đã chuyển đổi. "Cái gì buộc phải cắt thì phải cắt, bỏ thì phải bỏ", ông Thiên nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đình Cung đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp xác định mọi kế hoạch kinh doanh của năm 2012 trong điều kiện lạm phát vẫn cao, dù cả năm có thể xuống dưới 1 con số nhưng chắc không sớm được trong nửa đầu năm 2012. Như vậy, không thể kỳ vọng rằng, lãi suất sẽ giảm xuống khi lạm phát chưa đạt được kỳ vọng.
Theo cách nhìn của ông Cung, đợt sàng lọc này với doanh nghiệp sẽ vô cùng đau đớn, sẽ có doanh nghiệp không chịu nổi, không đủ sức vượt qua thách thức, sẽ phải đi ra, nhường chỗ cho doanh nghiệp nào bền bỉ hơn, có sức chịu đựng tốt hơn. "Đau nhưng đó là việc cần thiết để tạo dựng được sự ổn định của kinh tế vĩ mô - điều kiện để doanh nghiệp có thể hoạt động, phát triển một cách bình thường".
Sự trở lại của lòng tin
Hơn thế, ông Cung cũng nhấn mạnh rằng, môi trường kinh doanh ổn định sẽ tạo điều kiện và lòng tin cho những doanh nghiệp chân chính hoạt động, thay thế cho các doanh nghiệp cơ hội, sinh ra nhờ cơ chế, các kế hoạch kinh doanh chụp giựt nhờ sự thay đổi của chính sách… 
Môi trường kinh doanh Việt Nam đang trong lúc vô cùng nhạy cảm. Con số doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động đang được dự báo là sẽ tăng lên khi niềm tin kinh doanh về môi trường kinh doanh Việt Nam trong hàng loạt các cuộc điều tra, khảo sát đều theo xu hướng giảm. Trong cuộc điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý IV của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được công bố cuối tháng 10/2011 vừa qua, 2/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục sụt giảm trong quý IV/2011. Hệ quả là, theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, chỉ còn 38% muốn duy trì mức đầu tư và chỉ 36% muốn tăng đầu tư tại Việt Nam, một sự sụt giảm đáng kể so với tỉ lệ 52% của quý trước. Thậm chí, 22% doanh nghiệp muốn giảm đầu tư tổng thể tại Việt Nam, tăng 13% so với quý trước và chỉ 6% vào đầu năm 2011. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2011 cũng có cái nhìn không mấy sáng sủa về môi trường kinh doanh Việt Nam khi chỉ có 26% doanh nghiệp có cái nhìn tích cực, trong khi có tới 23,7% doanh nghiệp đánh giá ở mức kém. Tỷ lệ này trong lần khảo sát năm 2010 tương ứng là 51,36% và 4,9%.
Cũng cần phân tích kỹ hơn lý do chính khiến hơn 30% số doanh nghiệp điều tra dự kiến chỉ duy trì hoặc giảm quy mô kinh doanh hay đóng cửa là vì chi phí kinh doanh cao, thực thi luật pháp kém, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, tệ quan liêu và tham nhũng gia tăng… Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji nhìn nhận: "Đây không phải là lúc tối đa hóa lợi nhuận, mà cần xác định chiến lược đặc biệt cho thời điểm đặc biệt. Hơn thế, giai đoạn lãng phí nguồn lực đầu tư như thời gian qua để tranh thủ cơ hội đã chấm dứt, chiến lược đầu tư mới phải được xác định trên nền tảng năng lực cốt lõi. Cũng phải xác định, sau thời điểm khó khăn này, những doanh nghiệp nào không chịu đựng nổi sẽ buộc phải hy sinh, song những ai đã vượt qua thì sẽ vững vàng hơn".
Tuy vậy, bài tính của giới đầu tư - kinh doanh cũng nhìn xa hơn thực tại, khi mà có tới 69% doanh nghiệp đặt kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới. Tỷ lệ này dù giảm khá mạnh so với 76% trong lần điều tra trước của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, song tiếp tục cho thấy triển vọng của kinh tế Việt Nam với những sự tăng trưởng về thị trường và tốc độ hội nhập, mở cửa vẫn đang là điểm ngắm của nhiều dòng vốn đầu tư. Một tín hiệu đáng mừng nữa là trong những ngày cuối năm 2011, các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục rong ruổi tìm kiếm địa điểm kinh doanh cho các kế hoạch chuyển dịch dòng vốn tới Việt Nam. "Sự kiên trì của Chính phủ trong thực thi các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát sẽ đảm bảo cho lòng tin của giới đầu tư trở lại. Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể đòi hỏi chính sách nới lỏng quá sớm khi các điều kiện chưa cho phép mà phải ủng hộ Chính phủ, thậm chí tạo sức ép để Chính phủ kiên quyết hơn trong thực thi các chính sách này", ông Cung khẳng định.
Có cùng quan điểm với người đồng nghiệp, song ông Trần Đình Thiên nói thêm, có lẽ Chính phủ cũng cần phải tăng thêm sự hỗ trợ, chia sẻ một cách thiết thực hơn bằng cách giảm thu ngân sách. Đây không chỉ là một cách "tài trợ" chính đáng cho doanh nghiệp mà còn thực sự đưa ra tuyên ngôn mạnh mẽ trong tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực. Khi ngân sách giảm thu, buộc tính toán mức chi phải chặt chẽ, hiệu quả hơn, nguồn cung tiền theo kênh đầu tư công giảm đi, tăng cơ hội để nguồn lực chảy sang ngân hàng, tạo điều kiện để lãi suất giảm xuống.
Ông Thiên khi bàn về các vấn đề của năm 2012 đặc biệt nhấn mạnh tới tình hình đặc biệt nghiêm trọng của kinh tế năm 2012. Thế khó buộc cả Chính phủ và doanh nghiệp phải đặt cho mình những ưu tiên hành động đặc thù dành riêng cho thời điểm đặc biệt này, nhất là cách phân bổ nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp đang rà xét lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền, tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm. Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Phú cho rằng, nhiều khả năng môi trường kinh doanh sẽ ấm lên từ quý II/2012, vì khi đó, các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ sẽ phát huy hiệu lực - nếu Chính phủ kiên trì các chính sách này.
Theo Doanh Nhan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét